Tin tức và Sự kiện
Cập nhật lúc: 10:42:14 30/03/2023

Thừa Thiên Huế: Phát triển vùng dược liệu quý tại huyện A Lưới

Với mục tiêu lựa chọn được loài dược liệu quý phù hợp với điều kiện tự nhiên, kinh tế - xã hội huyện A Lưới, đồng thời tăng cường tuyên truyền, quảng bá tiềm năng và lợi thế của huyện A Lưới nhằm xúc tiến đầu tư, thu hút các nhà đầu tư phát triển các cơ sở sản xuất, chế biến dược liệu, thuốc và thực phẩm chức năng; ngày 19/11/2022, Sở Khoa học và Công nghệ phối hợp với UBND huyện A Lưới tổ chức Hội nghị xúc tiến đầu tư “Lựa chọn loài dược liệu quý phù hợp với điều kiện tự nhiên, kinh tế - xã hội huyện A Lưới” thuộc Chương trình mục tiêu Quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số năm 2022. Qua đó, đề xuất các giải pháp bảo tồn loài dược liệu quý phù hợp với điều kiện tự nhiên của huyện A Lưới góp phần phát triển sinh kế, nâng cao thu nhập cho người dân vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi.

Tham dự Hội nghị, về phía các cơ quan cấp tỉnh, các chuyên gia, nhà khoa học có ông Hồ Xuân Trăng - Trưởng Ban Dân tộc tỉnh Thừa Thiên Huế; ông Nguyễn Kim Tùng - Phó Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ; PGS. TS. Nguyễn Duy Thuần - Chuyên gia dược liệu, Học Viện Y Dược Cổ truyền Việt Nam; TS. Lương Đức Toàn - Viện Thổ Nhưỡng Nông Hóa Việt Nam; TS. Ngô Trí Dũng - Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu và Tư vấn quản lý tài nguyên; PGS. TS. Trương Thị Hồng Hải - Viện trưởng Viện Công nghệ Sinh học, Đại học Huế; PGS. TS. Nguyễn Thị Ái Nhung - Trường Đại học Khoa học, Đại học Huế; TS. Lê Cảnh Việt Cường - Viện Nghiên cứu Khoa học miền Trung.

Về phía UBND huyện A Lưới có ông Nguyễn Văn Hải - UVTV Huyện ủy, Phó Chủ tịch UBND huyện; cùng đại diện lãnh đạo các cơ quan chuyên môn của huyện, lãnh đạo UBND các xã, phường, thị trấn; Hội Phụ nữ, Hội Nông dân các xã, phường trên địa bàn; đại diện lãnh đạo các doanh nghiệp, hợp tác xã, các cơ sở sản xuất, kinh doanh trên địa bàn huyện.

Sơ đồ huyện A Lưới, tỉnh Thừa Thiên Huế

Thừa Thiên Huế là nơi có điều kiện tự nhiên đất đai, thổ nhưỡng và khí hậu nhiệt đới phù hợp cho sự phát triển, nơi giao thoa, hội tụ của nhiều hệ động thực vật. Thêm vào đó, điều kiện địa hình đa dạng gồm núi rừng, gò đồi, đồng bằng duyên hải, đụn cát, đầm phá, biển ven bờ đã tạo ra một hệ sinh thái phong phú, đa dạng sinh học ở cả 03 mức: Đa dạng hệ sinh thái, đa dạng loài và đa dạng nguồn gen đã tạo nên nguồn dược liệu phong phú về chủng loại lẫn công dụng làm thuốc.

Ông Nguyễn Kim Tùng - Phó Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ phát biểu tại Hội nghị

Phát biểu khai mạc và Báo cáo đề dẫn tại Hội nghị, ông Nguyễn Kim Tùng - Phó Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ cho biết, trong những năm qua, việc phát huy tiềm năng bản địa các loài dược liệu trên địa bàn tuy đã được cộng đồng doanh nghiệp, các cơ sở sản xuất và nhiều nhà nghiên cứu quan tâm, nhiều loại dược liệu quý hiếm được khảo sát đánh giá và thử nghiệm được triển khai bằng các Chương trinh, Dự án KH&CN, một số sản phẩm dược liệu đã phát huy hiệu quả tiêu biểu như Tràm gió, Thiên niên kiện, Ba kích, Sâm cau, Tinh bột nghệ.... Tuy nhiên, so với tiềm năng vẫn còn nhiều tồn tại hạn chế, vùng nguyên liệu dược liệu còn ít, chưa có những mô hình quy mô lớn. Do đó, việc đầu tư, phát triển, sử dụng hiệu quả nguồn dược liệu trong tự nhiên và bảo tồn tài nguyên dược liệu nhằm góp phần cân bằng hệ sinh thái, bảo vệ đa dạng sinh học, môi trường và bảo vệ sức khỏe, văn hóa của cộng đồng, đặc biệt là phát triển kinh tế tư nhân thúc đẩy ngành hóa dược phát triển… đang đặt ra nhiều vấn đề cần bàn luận một cách sâu sắc.

Được biết, điểm ưu việt của sản phẩm chiết suất từ thảo dược là không những trị dứt bệnh trong thời gian ngắn mà còn tạo ra nguồn thực phẩm sạch, không tồn dư hóa chất kháng sinh, tăng giá trị cạnh tranh trên thị trường. Có thể nói, thảo dược là nguồn tài sản vô giá, giải quyết được hầu hêt các bệnh ở người và cả động, thực vật. Việc phát triển ngành thảo dược trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế còn có ý nghĩa quan trọng cho sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh nhà. Trồng thảo dược không gây thoái hóa đất, ngược lại có tác dụng bảo vệ và cải tạo nguồn tài nguyên đất, giải quyết lượng lớn lao động tại địa phương, góp phần đóng góp cho ngân sách Nhà nước.

“Phát triển vùng nguyên liệu và các sản phẩm dược liệu gắn với Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi phải dự trên cơ sở khai thác tiềm năng, lợi thế của các địa phương trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi; đổi mới sáng tạo, đẩy mạnh phát triển kinh tế, đảm bảo an sinh xã hội; giảm nghèo nhanh, bền vững, thu hẹp dần khoảng cách về mức sống, thu nhập bình quân của vùng so với bình quân chung của cả nước; giảm dần số xã, thôn đặc biệt khó khăn, thu hút các nhà đầu tư phát triển các cơ sở sản xuất, chế biến dược liệu, thuốc và thực phẩm chức năng. Xây dựng các mô hình khép kín từ nuôi, trồng dược liệu đến sản xuất và tiêu thụ các sản phẩm dược liệu. Từng bước phát triển ngành dược liệu theo hướng hiện đại, sử dụng công nghệ tiên tiến, tạo ra nhiều sản phẩm có sức cạnh tranh trên thị trường trong nước và quốc tế...”, ông Nguyễn Kim Tùng nhấn mạnh.

Bên cạnh đó, Phó Giám đốc Sở  Khoa học và Công nghệ đã đề xuất những mục tiêu, quan điểm, định hướng và giải pháp phát triển vùng nguyên liệu và các sản phẩm dược liệu gắn với Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi theo chuỗi giá trị phù hợp với vùng miền, khai thác tiềm năng lợi thế theo hướng chuyển đổi cơ cấu cây trồng phù hợp với điều kiện đất đai, thổ nhưỡng, tạo việc làm, nâng cao thu nhập hướng đến mục tiêu giảm nghèo bền vững cho đồng bào.

Toàn cảnh Hội nghị

Tại Hội nghị, các đại biểu tham dự đã được nghe Phó Chủ tịch UBND huyện A Lưới Nguyễn Văn Hải báo cáo Kế hoạch triển khai thực hiện phát triển dược liệu giai đoạn 2021-2025 và thông qua dự thảo Kế hoạch triển khai Chương trình mục tiêu Quốc gia phát triển kinh tế -  xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số năm 2022 của huyện A Lưới với mục tiêu hình thành hệ thống chuỗi giá trị phát triển dược liệu quý; hình thành ý thức nuôi trồng dược liệu theo chuỗi giá trị và bảo tồn nguồn gen dược liệu đảm bảo các quy trình và tiêu chuẩn quản lý chất lượng, kết hợp bảo vệ và phát triển rừng bền vững.

Cũng tại Hội nghị, các chuyên gia, nhà khoa học đã trình bày tham luận, đưa ra các định hướng, giải pháp nâng cao giá trị, ứng dụng hiệu quả khoa học và công nghệ để phát triển các loài dược liệu tiềm năng phù hợp với điều kiện tự nhiên huyện A Lưới, phát triển vùng nguyên liệu và các sản phẩm dược liệu theo chuỗi giá trị mang thương hiệu địa phương, góp phần tăng nguồn thu nhập, xóa đói giảm nghèo cho bà con đồng bào dân tộc thiểu số và vùng núi.

Theo đó, Ba kích (Morinda officinalis F.C.How.), Bảy lá một hoa (Paris spp), Sa nhân (Anomum spp), Đẳng sâm (Codonopsis javanica (Blume.) Hook.f.), Thiên niên kiện (Homalomena occulta (Lour.) Schott), Lan kim tuyến (Anoectochilus roxburghii (Wall.) Lindl.), Sâm cau (Curculigo orchioides Gaertn.), Thổ phục linh (Smilax glabra Roxb.), Sâm ngọc linh (Panax vietnamensis Haet Grushv.), Bách bệnh (Eurycoma longifolia Jack.), Cẩu tích (Cibotium barometz (L.) J. Sm.), Bách bộ (Stemona spp), Đương quy (Angelica sinensis (Oliv.) Diels.), Hoàng đằng (Fibraurea tinctoria Lour.), Dây đau xương (Tinospora sinensis (Lour.) Merr), ... là các loài dược liệu được xem là phù hợp với điều kiện tự nhiên và đề xuất phát triển tại huyện A Lưới.

Một số hình ảnh các loài dược liệu quý:

Nguồn: skhcn.thuathienhue.gov.vn