Tin tức và Sự kiện
Cập nhật lúc: 22:02:45 12/05/2023

Hơn 300 tỷ thực hiện Chương trình ứng dụng khoa học và công nghệ vào sản xuất nông nghiệp công nghệ cao

Phát triển nông nghiệp công nghệ cao (NNCNC), đổi mới khoa học công nghệ được coi là một trong những giải pháp then chốt, trọng tâm. Ứng dụng khoa học và công nghệ (KH&CN) giải quyết các thách thức trong phát triển nông nghiệp bằng các ưu việt của các công nghệ như: Công nghệ sinh học, công nghệ nhà kính, công nghệ tưới nhỏ giọt, công nghệ cảm biến, tự động hóa, internet vạn vật… giúp sản xuất nông nghiệp.

Bộ trưởng Bộ KH&CN Huỳnh Thành Đạt cùng Đoàn công tác tham quan mô hình chăn nuôi an toàn sinh học 4F của Tập đoàn Quế Lâm tại tỉnh Thừa Thiên Huế

Tại tỉnh Thừa Thiên Huế, thực hiện Nghị quyết Trung ương 7 khoá X về nông nghiệp, nông dân, nông thôn, tỉnh Thừa Thiên Huế đã ban hành nhiều chủ trương, chính sách để hỗ trợ phát triển nông nghiệp, thực hiện tái cơ cấu ngành Nông nghiệp trên địa bàn tỉnh. Đến nay, kinh tế nông thôn của tỉnh có chuyển biến tích cực, đời sống của dân cư nông thôn, nhất là vùng khó khăn đã được cải thiện; tốc độ tăng trưởng ngành Nông nghiệp giai đoạn 2009 - 2018 bình quân trên 3,5%/năm.

Tuy nhiên, lĩnh vực Nông nghiệp của tỉnh vẫn chưa phát triển tương xứng với tiềm năng và chưa thật sự hiệu quả, bền vững. Đặc biệt, tái cơ cấu ngành Nông nghiệp trên các lĩnh vực và sản phẩm chủ lực vẫn còn chậm, chưa có những đột phá tạo đà thúc đẩy phát triển nông nghiệp; sản xuất quy mô nhỏ vẫn phổ biến; đầu tư cho nông nghiệp, nông thôn còn hạn chế. Thu hút doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao chưa được đẩy mạnh; chưa có doanh nghiệp lớn, có thương hiệu, tiềm lực kinh tế, công nghệ và kinh nghiệm trong phát triển nông nghiệp làm động lực, đầu tàu cho phát triển nông nghiệp của tỉnh.

Để tiếp tục đẩy mạnh việc phát triển và nhân rộng các mô hình sản xuất nông nghiệp sạch, giá trị cao tại các vùng sinh thái; thúc đẩy xây dựng các mô hình nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao; chú trọng đào tạo nhân lực quản trị và lao động có kỹ thuật, tay nghề cao, khuyến khích khu vực kinh tế tư nhân, các doanh nghiệp, các trang trại, gia trại tăng cường ứng dụng KH&CN và phát huy nội lực để nâng cao năng suất chất lượng và sức cạnh tranh của nông sản, đặc sản của Thừa Thiên Huế, khẳng định thương hiệu và quy mô sản xuất để phát triển thị phần trong nước và xuất khẩu... ngày 28/4/2023, UBND tỉnh Thừa Thiên Huế đã ban hành văn bản số 165 /CTr-UBND “Chương trình Ứng dụng KH&CN vào sản xuất NNCNC tỉnh Thừa Thiên Huế giai đoạn 2023 -2030”.

Thực trạng ứng dụng KH&CN vào sản xuất NNCNC tại tỉnh Thừa Thiên Huế

Hiện tại trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế chưa có các vùng nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao được công nhận, tuy nhiên, việc ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất nông nghiệp tại một số địa phương của tỉnh đang từng bước hình thành.  Trong trồng trọt, toàn tỉnh có 51 nhà lưới với tổng diện tích khoảng 55.900m2, có trang bị hệ thống tưới phun, tưới tiết kiệm, hệ thống làm mát, điều chỉnh ánh sáng..., để trồng rau và hoa các loại. Trong chăn nuôi, các mô hình chăn nuôi công nghệ cao, VietGAP, hữu cơ, an toàn sinh học, an toàn dịch bệnh dần được định hình, từng bước tạo ra sản phẩm đạt chất lượng, nâng cao giá trị gia tăng, đáp ứng nhu cầu tiêu dùng. Đến nay, toàn tỉnh có 401 trang trại chăn nuôi trong đó có 14 trang trại chăn nuôi lợn, gà quy mô lớn, 70 trang trại quy mô vừa.

Tại một số địa phương của tỉnh đang từng bước hình thành các vùng sản xuất chăn nuôi theo hướng tập trung và áp dụng công nghệ bán tự động vào sản xuất (công nghệ làm mát chuồng trại, nước uống tự động…). Trong thủy sản, nuôi trồng thủy sản ứng dụng công nghệ cao cũng đang được chú trọng đầu tư, diện tích nuôi tôm thẻ chân trắng theo hướng Globalgap, ASC, BMP khoảng 120ha, nuôi trồng thủy sản sản xuất theo chuẩn VietGAP khoảng 12ha, nuôi trong nhà bạt theo công nghệ Biofloc hơn 80ha và có hơn 4.000ha nuôi xen ghép nhiều đối tượng thân thiện môi trường theo phương thức quảng canh cải tiến.

Mô hình trồng hoa lily, cúc, đồng tiền thương phẩm tại A Lưới do Trung tâm Ứng dụng tiến bộ KH&CN chủ trì thực hiện

Đến nay tỉnh Thừa Thiên Huế hiện chưa có doanh nghiệp nào được chứng nhận doanh nghiệp nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao. Tuy nhiên, xuất phát từ nhu cầu thực tế, hầu hết các doanh nghiệp nông nghiệp đều đầu tư nghiên cứu và ứng dụng các tiến bộ về KH&CN cao vào sản xuất nhằm nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm và hiệu quả sản xuất kinh doanh. Một số doanh nghiệp liên doanh liên kết trong chăn nuôi có áp dụng công nghệ bán từ động như: Công ty cổ phần chăn nuôi Mavin đầu tư tại xã Phong Hiền huyện Phong Điền, Công ty cổ phần 3F Việt chi nhánh Huế đầu tư tại xã Quảng Lợi huyện Quảng Điền, Công ty cổ phần Lâm nghiệp 1/5 đầu tư tại xã Phong An huyện Phong Điền, Công ty TNHH MTV Nông nghiệp Organic Quế Lâm đầu tư tại xã Phong Thu huyện Phong Điền... Ngoài ra một số doanh nghiệp đang xúc tiến đầu tư là Công ty Cổ phần Eco Farm Huế đang đầu tư dự án trang trại chăn nuôi heo công nghệ cao tại xã Hương Phong, huyện A Lưới…

Mô hình nuôi tôm ao tròn công nghệ cao ở xã Điền Lộc (Phong Điền)

TS. Hồ Thắng - Giám đốc Sở KH&CN tỉnh Thừa Thiên Huế cho biết, đội ngũ cán bộ khoa học hoạt động trong ngành Nông nghiệp tăng nhanh về số lượng và luôn được quan tâm bồi dưỡng nâng cao về năng lực, trình độ, khả năng nghiên cứu, tiếp nhận thông tin và chuyển giao, ứng dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật mới vào sản xuất. Bên cạnh đó, lực lượng cán bộ khoa học hoạt động trong lĩnh vực ông nghiệp trong các Viện, cơ quan nghiên cứu trung ương đóng trên địa bàn tỉnh, các đơn vị thuộc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (Trung tâm Giống…) và đội ngũ cán bộ nghiên cứu của các trường thành viên thuộc Đại học Huế, đặc biệt là Trường Đại học Nông lâm, Đại học là một nguồn nhân lực lớn cho phát triển ngành Nông nghiệp. Ngoài ra, Trung tâm Ứng dụng tiến bộ KH&CN (trực thuộc Sở KH&CN) được đầu tư phát triển tiềm lực, việc thực hiện dự án KH&CN các cấp đã góp phần thúc đẩy chuyển giao công nghệ, ứng dụng tiến bộ kỹ thuật cho người dân và doanh nghiệp trên địa bàn các huyện, thị, thành phố. Trong năm 2018, 2019, Trung tâm đã hình thành Khu vực sản xuất giống nấm các loại (nấm ăn và nấm dược liệu) tại tầng 2, tòa nhà 4 tầng nhằm cung cấp giống nấm cho Hợp tác xã, doanh nghiệp, người dân nuôi trồng Nấm trên địa bàn tỉnh. Xây dựng 300m2 nhà lưới để nuôi trồng nấm, trồng lan, trồng rau theo hướng thực hiện mô hình thử nghiệm ứng dụng.

“Năm 2010, UBND tỉnh đã giao cho Trung tâm một khu đất tại thị trấn Phú Đa, huyện Phú Vang với diện tích: 14.041m2 để thực hiện dự án xây dựng Trạm sản xuất giống, nuôi trồng, chế biến các loại nấm. Cơ sở vật chất bao gồm 01 nhà cấp 4, 01 xưởng sản xuất phân hữu cơ sinh học và các lán trại có tổng diện tích: 1.100m2”, ông Hồ Thắng thông tin thêm.

Ngoài ra, Viện Công nghệ Sinh học, Đại học Huế là một trong những thiết chế quan trọng góp phần xây dựng Thừa Thiên Huế trở thành một trong những trung tâm lớn của cả nước về khoa học - công nghệ. Trường Đại học Nông lâm, Đại học Huế qua 55 năm xây dựng và phát triển, Trường đã đạt được những thành tích to lớn trong đào tạo, nghiên cứu khoa học và phục vụ sản xuất cho các tỉnh miền Trung, Tây Nguyên và cả nước…

Bộ trưởng Bộ KH&CN Huỳnh Thành Đạt đến thăm và làm việc tại Viện Công nghệ Sinh học, Đại học Huế

Nhìn chung, sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao đã thu hút được sự quan tâm, tham gia tích cực của các cơ quan, địa phương, doanh nghiệp, cộng đồng, người dân qua đó đã thúc đẩy, mở ra một hướng đi phù hợp cho sản xuất nông nghiệp bền vững của địa phương. Tính đến nay, toàn tỉnh có 25 doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn, trong đó có 10 doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp, chiếm tỷ lệ 40%; 10 doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực lâm nghiệp, chiếm tỷ lệ 40%, 05 doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực thủy sản, chiếm tỷ lệ 20%.

Bên cạnh những lợi thế trong ứng dụng KH&CN vào sản xuất NNCNC vẫn còn những tồn tại, cụ thể chưa có quy hoạch khu và vùng nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao với cơ sở hạ tầng thiết yếu đảm bảo (giao thông, thủy lợi, điện, …) để tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp, hợp tác xã và nông hộ cùng tham gia đầu tư để từ đó hình thành liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị. Các chương trình khuyến nông, hỗ trợ ứng dụng KH&CN từ trước đến nay nguồn lực còn hạn chế, bố trí manh mún, thiếu tập trung, chưa tập trung vào các sản phẩm chủ lực của địa phương. Việc triển khai các mô hình ứng dụng KH&CN chưa hướng trọng tâm vào doanh nghiệp có năng lực, có quy mô; chưa tạo được điểm nhấn bằng các mô hình hiệu quả nên chưa có sản phẩm NNCNC.

Sâm cau được trồng trên đất cát nội đồng tại xã Quảng Thái, huyện Quảng Điền

Trong tổ chức sản xuất, chưa có sự tham gia tích cực của doanh nghiệp vào mối liên kết giữa nghiên cứu KH&CN và chuyển giao, ứng dụng. Liên kết giữa nhà khoa học - doanh nghiệp - nông dân còn yếu và thiếu bền vững, số lượng doanh nghiệp trong nông nghiệp còn ít, chủ yếu là doanh nghiệp vừa và nhỏ. Đầu tư cho NNCNC đòi hỏi vốn lớn, trong khi nguồn lực tài chính của người dân và các nhà đầu tư còn hạn chế; sản xuất nông nghiệp thường có độ rủi ro cao về thời tiết, về thị trường và giá cả nên chưa thu hút được doanh nghiệp đầu tư vào NNCNC. Việc hỗ trợ của nhà nước cho NNCNC chưa có chính sách, chương trình cụ thể. Công tác nghiên cứu, chuyển giao và ứng dụng khoa học, công nghệ vào phát triển sản xuất chưa có nhiều đổi mới, các mô hình sản xuất tiên tiến, có hiệu quả để nhân rộng, việc ứng dụng công nghệ cao vào các khâu thu hoạch, bảo quản và chế biến còn hạn chế….

Sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao phải có mục tiêu “ứng dụng” và “thương mại”, tích hợp đa giá trị cả về kinh tế, xã hội, môi trường, bảo tồn đa dạng sinh học và thích ứng với biến đổi khí hậu

TS. Hồ Thắng chia sẻ, mục tiêu chung của Chương trình Ứng dụng KH&CN vào sản xuất NNCNC giai đoạn 2023-2030 là đẩy mạnh việc ứng dụng và nhân rộng các tiến bộ KH&CN trong sản xuất NNCNC phục vụ phát triển kinh tế - xã hội và bảo vệ môi trường. Nâng cao năng lực của các tổ chức, cá nhân trong việc ứng dụng công nghệ mới, công nghệ cao, tạo sự chuyển biến về năng suất, chất lượng, hiệu quả trong hoạt động sản xuất kinh doanh thông qua việc ứng dụng và nhân rộng các kết quả về KH&CN; từng bước tạo dựng môi trường thuận lợi hỗ trợ doanh nghiệp khởi nghiệp, doanh nghiệp đổi mới sáng tạo (trong lĩnh vực NNCNC), góp phần xây dựng nền nông nghiệp phát triển toàn diện theo hướng hiện đại, sản xuất hàng hóa có năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh cao; góp phần thực hiện thành công cơ cấu lại ngành Nông nghiệp nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững. Chuyển giao các tiến bộ về ứng dụng KH&CN vào sản xuất NNCNC phải đi đôi với việc đào tạo đội ngũ cán bộ cơ sở, nâng cao năng lực ứng dụng KH&CN của người dân, doanh nghiệp.

TS. Hồ Thắng trong chuyến khảo sát tại trang trại nuôi tôm organic tại Eco Village Hue

Mục tiêu cụ thể của Chương trình chia làm 02 giai đoạn, theo đó, giai đoạn 2023-2025 xây dựng được ít nhất 10 mô hình ứng dụng, chuyển giao tiến bộ KH&CN vào sản xuất NNCNC có hiệu quả, quy mô phù hợp với từng vùng sinh thái khác nhau trên địa bàn tỉnh; ít nhất có 20% mô hình liên kết ứng dụng KH&CN vào sản xuất NNCNC theo chuỗi giá trị hàng hóa, tạo sinh kế cho người dân. Hỗ trợ 04-06 doanh nghiệp/tổ chức KH&CN triển khai có hiệu quả các dự án nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao trên cơ sở kết quả nghiên cứu các nhiệm vụ các cấp đã được nghiệm thu, các hợp đồng chuyển giao công nghệ. Đào tạo, bồi dưỡng nâng cao năng lực quản lý và tổ chức triển khai các nhiệm vụ ứng dụng KH&CN vào sản xuất NNCNC cho ít nhất 75 lượt kỹ thuật viên cơ sở, 450 lượt nông dân tham gia.

Phấn đấu 20 - 30% hộ nông dân, 30 - 40% doanh nghiệp tham gia sản xuất nông nghiệp ứng dụng các biện pháp kỹ thuật mang tính công nghệ cao về giống, quy trình canh tác, công nghệ sau thu hoạch; cơ giới hoá, tự động hoá trong quá trình chăn nuôi, xử lý chất thải; các kỹ thuật tiên tiến, công nghệ cao trong quá trình sản xuất nuôi trồng các đối tượng thuỷ sản chủ yếu. Hình thành và công nhận ít nhất 01 doanh nghiệp nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao trên địa bàn tỉnh. Xây dựng cơ sở dữ liệu tiến đến số hóa về ngành Nông nghiệp trên địa bàn tỉnh, trước tiên là triển khai xây dựng mô hình số hóa ngành Nông nghiệp trên địa bàn thành phố Huế.

UVTW Đảng, Bí thư Tỉnh uỷ, Chủ tịch HĐND tỉnh Lê Trường Lưu  cùng lãnh đạo các Sở, ngành liên quan kiểm tra mô hình trồng cây dược liệu Sâm cau của Công ty TNHH MTV Nông lâm nghiệp Hương Cát tại xã Quảng Thái

Trong giai đoạn 2026-2030, xây dựng được ít nhất 25 mô hình ứng dụng, chuyển giao tiến bộ KH&CN vào sản xuất NNCNC có hiệu quả, quy mô phù hợp với từng vùng sinh thái khác nhau trên địa bàn tỉnh; phấn đấu có 30% mô hình liên kết ứng dụng KH&CN vào sản xuất NNCNC theo chuỗi giá trị hàng hóa, có mô hình, có quy mô sản xuất lớn, gắn sản xuất NNCNC với công nghiệp chế biến. Hỗ trợ 10-15 doanh nghiệp/tổ chức KH&CN triển khai có hiệu quả các dự án nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao trên cơ sở kết quả nghiên cứu các nhiệm vụ các cấp đã được nghiệm thu, các hợp đồng chuyển giao công nghệ.

Phấn đấu 30 - 40% hộ nông dân, 50 - 60% doanh nghiệp tham gia sản xuất nông nghiệp ứng dụng các biệp pháp kỹ thuật mang tính công nghệ cao về giống, quy trình canh tác, công nghệ sau thu hoạch; cơ giới hoá, tự động hoá trong quá trình chăn nuôi, xử lý chất thải; các kỹ thuật tiến tiến, công nghệ cao trong quá trình sản xuất nuôi trồng các đối tượng thuỷ sản chủ yếu. Đào tạo, bồi dưỡng nâng cao năng lực quản lý và tổ chức triển khai các nhiệm vụ ứng dụng KH&CN vào sản xuất NNCNC cho ít nhất 125 lượt kỹ thuật viên cơ sở, 750 lượt nông dân tham gia. Hỗ trợ cho việc hình thành và hoạt động có hiệu quả 05-07 doanh nghiệp NNCNC.

Mô hình nuôi tôm công nghệ cao

Hình thành quy hoạch khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao của tỉnh. Hoàn thiện số hóa ngành Nông nghiệp trên địa bàn tỉnh phục vụ cho công tác quản lý, ứng dụng, chuyển giao khoa học kỹ thuật, cơ sở dữ liệu vào lĩnh vực nông nghiệp; chuyển từ nền nông nghiệp năng suất, sản lượng sang nền kinh tế nông nghiệp.

05 nội dung và 04 giải pháp trọng tâm triển khai Chương trình 

Chương trình Ứng dụng KH&CN vào sản xuất NNCNC tỉnh Thừa Thiên Huế giai đoạn 2023 -2030 xây dựng 05 nội dung thực hiện, thứ nhất, tăng cường công tác quản lý Nhà nước và một số chính sách nhằm thúc đẩy ứng dụng KH&CN vào sản xuất NNCNC. Trong đó, chú trọng các hoạt động tuyên truyền, phổ biến kiến thức về ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất nông nghiệp trên các phương tiện thông tin đại chúng; Công tác quy hoạch khu, vùng nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao; Xây dựng, lồng ghép áp dụng một số cơ chế, chính sách ưu đãi, hỗ trợ đầu tư phát triển ứng dụng KH&CN vào sản xuất NNCNC; Tăng cường công tác quản lý Nhà nước.

Bí thư Tỉnh ủy Lê Trường Lưu và đoàn công tác đến kiểm tra mô hình sản xuất, chăn nuôi gà thảo dược, nhà máy ấp trứng 3F ở xã Quảng Phú

Thứ hai, các hoạt động nghiên cứu, ứng dụng, chuyển giao KH&CN vào sản xuất NNCNC, chú trọng nghiên cứu ứng dụng, sản xuất thử nghiệm và chọn tạo, nhân giống cây trồng, giống vật nuôi và giống thủy sản cho năng suất, chất lượng cao, chú trọng bảo tồn và phát triển giống bản địa; chọn, tạo và du nhập các giống từ nơi khác có giá trị cao; Nghiên cứu phòng, trừ dịch bệnh cây trồng, vật nuôi và thủy sản; Nghiên cứu ứng dụng, chuyển giao công nghệ và sản xuất thử nghiệm các quy trình công nghệ mới có hiệu quả và phù hợp trong sản xuất nông nghiệp; Nghiên cứu ứng dụng, chuyển giao công nghệ, sản xuất thử nghiệm và chọn tạo các loại vật tư, máy móc, thiết bị sử dụng trong nông nghiệp; Nghiên cứu ứng dụng, chuyển giao công nghệ trong bảo quản, chế biến thực phẩm nông nghiệp, sản xuất dược liệu và năng lượng sinh học; Nghiên cứu lựa chọn và nhập công nghệ cao trong nông nghiệp.

Thứ ba, hình thành và phát triển sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao. Trong đó, hỗ trợ hình thành và phát triển các doanh nghiệp NNCNC; Hình thành và phát triển khu, vùng nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao;  Xây dựng các mô hình nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao

Nhãn hiệu tập thể mây tre đan Bao La (nguồn Hợp tác xã mây tre đan Bao La)

Thư tư, hỗ trợ, phát triển thị trường tiêu thụ sản phẩm và các dịch vụ công nghệ cao phục vụ nông nghiệp. Cụ thể: Hình thành và phát triển các hình thức giao dịch và hệ thống các cơ sở, dịch vụ về cung ứng, tiêu thụ các sản phẩm trong lĩnh vực nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao (bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ; dịch vụ cung ứng vật tư, máy móc, thiết bị; dịch vụ quảng bá, tiêu thụ sản phẩm trong lĩnh vực nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao…); Phát triển và nhân rộng các mô hình, hình thức tổ chức sản xuất, kinh doanh trong nông nghiệp theo chuỗi giá trị cho các sản phẩm nông sản hàng hóa chính, trên cơ sở hài hòa lợi ích của các bên tham gia; Tổ chức nâng cao năng lực và quảng bá, phát triển thương hiệu của các sản phẩm, dịch vụ nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao tỉnh Thừa Thiên Huế, trên cơ sở phát triển các sản phẩm đã được bảo hộ nhãn hiệu, chỉ dẫn địa lý, các sản phẩm đáp ứng tiêu chuẩn về an toàn vệ sinh thực phẩm, tiêu chuẩn chất lượng quốc tế và gắn với truy xuất nguồn gốc. Từng bước hình thành và phát triển các thị trường tiêu thụ nội địa và xuất khẩu các sản phẩm hàng hóa từ hoạt động sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao của tỉnh; Nâng cao giá trị sản xuất nông nghiệp thông qua kết nối du lịch, như du lịch sinh thái, ẩm thực, làng nghề sẽ gia tăng giá trị của sản xuất nông nghiệp.

Mô hình sản xuất dưa lưới theo hướng công nghệ cao tại Nam Đông

Thư năm, các chính sách hỗ trợ, cụ thể: Hỗ trợ tổ chức KH&CN có hoạt động liên kết với tổ chức ứng dụng, chuyển giao công nghệ địa phương để hoàn thiện kết quả nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ: Theo quy định hiện hành về thực hiện nhiệm vụ KH&CN. Hỗ trợ theo một số chính sách được quy định tại Nghị quyết số 22/2020/NQ-HĐND ngày 23/12/2020 của HĐND tỉnh Quy định một số chính sách hỗ trợ đổi mới, cải tiến công nghệ, chuyển giao công nghệ và phát triển tài sản trí tuệ trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế, giai đoạn 2021-2030 và Nghị quyết số 20/2020/NQ-HĐND ngày 23/12/2020 của HĐND tỉnh quy định một số chính sách khuyến khích phát triển sản xuất nông nghiệp thực hiện cơ cấu lại ngành Nông nghiệp tỉnh Thừa Thiên Huế giai đoạn 2021 - 2025.

04 giải pháp cụ thể, gồm: Giải pháp về quy hoạch; Giải pháp huy động nguồn lực thực hiện; Giải pháp đào tạo, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực; và Giải pháp về thông tin, tuyên truyền.