Sáng ngày 07/01/2023, Sở Khoa học và Công nghệ (KH&CN) tỉnh Thừa Thiên Huế đã tổ chức Hội nghị nghiệm thu kết quả thực hiện nhiệm vụ KHCN cấp tỉnh “Xây dựng mô hình sản xuất và ứng dụng Chitosan oligosaccharide (COS) phục vụ chăn nuôi gà trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế”. TS. Hồ Thắng – Giám đốc Sở KH&CN Chủ tịch Hội đồng, chủ trì Hội nghị.

Nhiệm vụ được thực hiện trong 24 tháng (Từ tháng 9/2020 đến hết tháng 8/2022) với tổng kinh phí là 1.100.000.000 đồng, do Trung tâm Ứng dụng tiến bộ Khoa học và Công nghệ (Trung tâm) là Đơn vị chủ trì thực hiện và KS. Phạm Đăng Khoa làm Chủ nhiệm nhiệm vụ.
Trình bày Báo cáo tổng kết nhiệm vụ tại Hội nghị, KS.Trần Đình Tri – Thư ký nhiệm vụ cho biết COS là một prebiotic có nguồn gốc từ các loại thủy hải sản. Chitosan là sản phẩm biến tính từ chitin, được tạo thành bằng cách loại các nhóm acetyl từ chitin (quá trình deacetyl), Chitosan không tan trong nước, không bị bẻ gãy bởi các enzyme tiêu hóa trong dạ dày của động vật có vú. Hiện nay, việc chiết xuất COS từ nguồn phế liệu vỏ tôm đã được triển khai tại rất nhiều các khu vực trong nước nói chung. Tại Việt Nam việc tận dụng phế liệu vỏ tôm để sản xuất COS tập trung chủ yếu vào sản xuất thức ăn cho gia súc, gia cầm bao gồm các sản phẩm chitin – chitosan, glucosamine, oligosaccharide… Tuy nhiên công nghệ sản xuất chitin – chitosan trong nước và trên thế giới hiện nay vẫn chủ yếu ở quy mô phòng thí nghiệm và rất ít quy trình được áp dụng quy mô sản xuất đại trà dẫn đến chất lượng chưa cao, hiệu suất sản xuất COS không cao. Nguyên nhân chủ yếu là do hàm lượng chất lơ lửng, trong đó chủ yếu là các chất có nguồn gốc từ protein. Các thành phần này rất khó lắng trong quá trình xử lí. Năm 2013, GS.TS Trần Thái Hòa (Đại học Khoa học Huế) đã nghiên cứu và đưa ra quy trình sản xuất COS theo phương pháp hóa học cắt mạch Chitosan bằng tác nhân hóa học ở nhiệt độ phòng. Quy trình trên đã góp phần nâng cao hiệu quả sản xuất và chất lượng COS.
Đại diện Đơn vị chủ trì trình bày Báo cáo tổng kết nhiệm vụ
Theo báo cáo, trong thời gian thực hiện nhiệm vụ, đơn vị chủ trì đã tiến hành điều tra thu thập thông tin cơ bản phản ánh kết quả hoạt động sản xuất chăn nuôi gà trên phạm vi huyện Quảng Điền và thị xã Hương Thủy, tỉnh Thừa Thiên Huế, qua đó chọn ra 05 trang trại/hộ dân tham gia thực hiện dự án; Tiếp nhận 02 quy trình công nghệ từ trường Đại học Khoa học Huế là Quy trình sản xuất chitosan oligosaccharide (COS) từ vỏ tôm có cải tiến giai đoạn sản xuất Chitosan từ Chitin so với kết quả của đề tài "Nghiên cứu chế tạo chitosan oligosaccharide phục vụ chăn nuôi gà ở tỉnh Thừa Thiên Huế" năm 2014 và Quy trình ứng dụng COS trong chăn nuôi gà; Xây dựng 01 mô hình sản xuất COS tại Trung tâm với quy mô 500 lít/mẻ đạt chất lượng; Xây dựng 01 mô hình ứng dụng COS ở 05 trang trại với quy mô >2000 con tại thị xã Hương Thủy và huyện Quảng Điền (Mỗi trang trại nuôi 03 lứa nuôi, tổng cộng 6.000 con. Tổng 05 trang trại là 30.000 con gà).
Nhận xét nghiệm thu nhiệm vụ, bên cạnh những nội dung, sản phẩm làm được của nhiệm vụ, các thành viên trong Hội đồng đã góp ý, đề nghị đơn vị chủ trì thực hiện Nhiệm vụ chỉnh sửa, bổ sung một số nội dung trong báo cáo tổng kết để hoàn thiện nhiệm vụ.
Các phát biểu của Hội đồng nghiệm thu
Phát biểu tại Hội nghị, TS Hồ Thắng, Giám đốc Sở KH&CN – Chủ tịch Hội đồng nghiệm thu kết luận đây là một dự án mang tính xã hội sâu sắc và tạo ra sản phẩm COS từ vỏ tôm, có khả năng miễn dịch, giảm chi phí trong chăn nuôi, tăng thu nhập cho người dân đồng thời giảm thiểu ô nhiễm môi trường từ quá trình chế biến thủy sản. Đối với người dân lấy chăn nuôi gà là nguồn thu nhập chính thì sử dụng COS sẽ tăng khả năng chống chịu bệnh trên gà, giảm chi phí thuốc thú y và tăng năng suất sản xuất. Đồng thời cũng ghi nhận, đánh giá cao kết quả đạt được của nhiệm vụ, đề nghị đơn vị chủ trì tiếp thu ý kiến góp ý và hoàn thiện Báo cáo tổng kết nhiệm vụ. Cùng với đó, Hội đồng KH&CN đã tiến hành bỏ phiếu nhất trí nghiệm thu nhiệm vụ là Đạt với số phiếu 9/9.
Trần Đình Tri